Advertisement
Chương trình BỒI DƯỠNG NỀN TẢNG CÀ PHÊ THỨ BẢY(Khóa học ngắn hạn vừa có tính phổ cập vừa có tính nâng cao)
- Chủ đề: BA BÀI GIẢNG ĐẠI CHÚNG
- Diễn giả: TS Ngôn ngữ học Tạ Thành Tấn
- Thời gian và thời lượng: 3 buổi, mỗi buổi 3 tiếng (chia làm 3 tiết, mỗi tiết 50 phút, giữa các tiết có giải lao 10 phút):
+Buổi 1: từ 14h00 đến 17h00 - thứ Bảy (11/01/2025)
+Buổi 2: từ 8h30 đến 11h30 - Chủ nhật (12/01/2025)
+Buổi 3: từ 14h00 đến 17h00 - Chủ nhật (12/01/2025)
- Địa điểm: Phòng sự kiện của THƯ VIỆN CÀ PHÊ THỨ BẢY TRẺ, lầu 3 ( THẾ GIỚI CÀ PHÊ 603 Trần Hưng Đạo, Q 1, TPHCM)
👉👉 Hướng dẫn đăng ký tham gia chương trình: https://s.net.vn/9CSK
---
NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
BUỔI 1(từ 14h00 đến 17h00 - thứ Bảy 11/01/2025)- BÀI GIẢNG 1: THANH ĐIỆU VÀ THANH ĐIỆU TIẾNG VIỆT
Tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu, tức là sự thay đổi cao độ trong giọng nói sẽ tạo ra các từ có nghĩa khác nhau trên cùng một khuôn âm tiết. Các phương ngữ khác nhau của tiếng Việt có số lượng thanh điệu khác nhau, và các hệ thống thanh điệu này cũng khác nhau về các đặc tính phát âm, âm học. Có thể nói, hiểu hồn cốt tiếng Việt là phải hiểu được thanh điệu, không chỉ trong lời ăn tiếng nói hằng ngày mà còn trong âm nhạc, văn học, những loại hình nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ thanh điệu như chất liệu.
Trong bài giảng này, giảng viên sẽ trình bày, cung cấp các thông tin sau:
Bản chất của thanh điệu của các ngôn ngữ trên thế giới và thanh điệu tiếng Việt
Sự đa dạng của thanh điệu tiếng Việt trên các miền đất nước
Nguồn gốc hình thành thanh điệu tiếng Việt
Sử dụng thanh điệu trong ngôn ngữ nghệ thuật
Bên cạnh đó, giảng viên cũng sẽ hướng dẫn mọi người sử dụng các phần mềm nghiên cứu ngữ âm hiện đại (chủ yếu là PRAAT) nhưng rất dễ thao tác để tự ghi âm và vẽ lên hệ thống thanh điệu của cá nhân mình, cũng như của những người khác, và hoàn toàn có thể phát triển để trở thành các nghiên cứu khoa học về thanh điệu tiếng Việt. Hãy cùng nhau hiểu hơn về thanh điệu tiếng Việt: đặc tính, nguồn gốc, sự đa dạng và vẻ đẹp!
(*) Lưu ý: Ở buổi 1, học viên tham dự nên mang theo laptop, máy tính cá nhân nếu muốn thực hành vẽ thanh điệu của mình.
BUỔI 2 (từ 8h30 đến 11h30 - Chủ nhật 12/01/2025)- BÀI GIẢNG 2: SƠ LƯỢC LỊCH SỬ TIẾNG VIỆT
Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức của quốc gia Việt Nam, là thứ tiếng có nguồn gốc phát triển lâu dài, có phong phú những biến đổi nội tại và những biến đổi do các va đập lịch sử - văn hoá, và có đa dạng những sắc màu cụ thể trên dọc miền đất nước. Bài giảng này sẽ cung cấp những tri thức về lịch sử phát triển của tiếng Việt trong quãng thời gian hơn 2000 năm, từ đầu Công nguyên cho tới nay. Mọi người sẽ cùng nhau lần ngược thời gian, du hành không gian để đến với tiếng Việt ở những vùng núi cao biển xa, những vùng nông thôn, trung du, qua những giai đoạn lịch sử tiếp xúc, tiếp biến, kháng cự với các thế lực ngôn ngữ - văn hoá phương Tây, phương Bắc. Chúng ta sẽ thấy những diện mạo quen thuộc nhưng cũng rất khác của tiếng Việt qua mỗi thế kỉ xa xăm hơn vào trong quá khứ, sẽ thấy tiếng Việt của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi rất khác so với những hình dung phổ thông của chúng ta, sẽ thấy mối quan hệ huyết thống gần gũi của tiếng Việt với các ngôn ngữ anh chị em như Katu, Chứt, Arem, Mã Liềng, Cuối, Thổ, Pọong, Mường… Bài giảng sẽ cung cấp các kiến thức ngôn ngữ học căn bản để cùng nhìn nhận vào cơ cấu và sự giữ vững cũng như biến đổi cơ cấu này của tiếng Việt. Hiểu được một quá trình phát sinh, phát triển lâu dài của tiếng Việt, hiểu được những chông gai trên chặng đường diễn tiến của tiếng Việt, bài giảng hi vọng chia sẻ và khơi gợi thêm được sự trân trọng của chúng ta với tiếng Việt, thứ không lúc nào ngừng tồn tại trên môi, trong tim, trong trí óc mỗi người Việt Nam.
BUỔI 3(từ 14h00 đến 17h00 - Chủ nhật (12/01/2025) - BÀI GIẢNG 3: CHÚNG TA SỐNG BẰNG ẨN DỤ
Ẩn dụ không chỉ là một biện pháp tu từ được các nhà văn, nhà thơ thường xuyên sử dụng để… học sinh phải phân tích trong các đề thi Ngữ văn! Các ẩn dụ chi phối cách thức chúng ta nói năng, tư duy, hành xử trong mọi việc hằng ngày, từ những thứ lớn lao như nhân sinh quan, thế giới quan cho tới những điều nhỏ nhặt thường ngày như pha cà phê, hẹn gặp nhau, nói chuyện, tranh luận, v.v.. Ẩn dụ quyết định tình yêu, hôn nhân của bạn sẽ diễn tiến như thế nào, quyết định vận mệnh của các quốc gia trong các cuộc chiến tranh, ảnh hưởng sâu sắc và triệt để đến đời sống kinh tế – chính trị – xã hội của mỗi cá nhân trong cộng đồng… Đó là những phát hiện lần đầu được thể hiện rõ ràng trong “Chúng ta sống bằng ẩn dụ” (Metaphor We Live by) của George Lakoff & Mark Johnson, cuốn sách kinh điển về ẩn dụ, khởi đầu cho một xu hướng nghiên cứu sâu rộng về ngôn ngữ, tâm trí, thần kinh, nhận thức, văn hoá người dưới tên gọi bao quát “các khoa học nhận thức” [cognitive sciences]. Việc khám phá ra bản chất ẩn dụ của ngôn ngữ, tư duy và hành vi của con người từ cuốn sách này đã có ảnh hưởng rất lớn tới hầu hết các ngành khoa học, cả tự nhiên và xã hội nhân văn: ngôn ngữ học, triết học, tâm lí học, thần kinh học, văn hoá học, xã hội học, toán học, chính trị, kinh tế học, v.v..
Trong bài giảng này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ẨN DỤ trên bốn cấp độ của nó như là (i) một biện pháp tu từ, (ii) một phương thức tạo từ, (iii) một phương thức tư duy và hành động, và (iv) một nguyên lí căn bản của nghệ thuật. Mọi người sẽ tự và cùng nhau suy nghĩ, truy vấn xem bản thân đang sống bằng những ẩn dụ nào, để từ đó cũng có thể lựa chọn những cập nhật hay những ẩn dụ mới hẳn cho riêng mình với mục đích sau cuối là sống một cuộc đời có ý nghĩa.
ĐÔI NÉT VỀ DIỄN GIẢ
TS. Tạ Thành Tấn hiện là giảng viên Ngôn ngữ học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh lấy bằng Tiến sĩ Ngôn ngữ học tại University of Ottawa (Canada). Quan tâm nghiên cứu của anh tập trung vào Ngữ âm học (Phonetics) và các nghiên cứu bao trùm Phương ngữ học, Ngôn ngữ học lịch sử, Ngữ âm học lâm sàng, Ngữ nghĩa học, Ngôn ngữ học lý thuyết, Phong cách học… Anh là dịch giả của các công trình/tác phẩm Các cấu trúc cú pháp (Noam Chomsky), Chúng ta sống bằng ẩn dụ (Lakoff & Johnson), Nhập môn văn học so sánh (Hutchinson, dịch chung), Mặt trời và thép (Yukio Mishima), Bản thảo tìm thấy tại Accra (Paulo Coelho)...
Anh cũng là tác giả/đồng tác giả các công trình nghiên cứu trên các tạp chí Journal of Phonetics, Phonetica, Journal of Laboratory Phonology, Journal of International Phonetics Association, Tạp chí Ngôn ngữ, Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống…
---
HƯỚNG DẪN THAM DỰ
- Khách tham dự chương trình vui lòng đăng ký theo link bên trên.
- Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Cà Phê Thứ Bảy, một dự án do nhạc sĩ Dương Thụ sáng lập và điều hành, phối hợp cùng với Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên Legend trên tinh thần phi lợi nhuận.
- Chương trình không thu phí của học viên. Trước khi tham dự chương trình, học viên vui lòng order và thanh toán đồ uống theo menu của quán (Nguồn thu này để hỗ trợ chúng tôi có chi phí chi trả mặt bằng, nhân sự, điện nước, … nhằm duy trì các hoạt động của Cà phê thứ Bảy).
- Để thuận tiện cho khâu tổ chức và tiết kiệm thời gian cho học viên tham gia khóa học, khi đăng ký tham dự chương trình quý vị vui lòng chọn món đồ uống hay món ăn theo menu và thanh toán trước để hỗ trợ ban tổ chức có thể chuẩn bị được chu đáo.
***Nếu có bất cứ thắc mắc gì hoặc cần hỗ trợ từ BTC, xin liên lạc theo số hotline : 0985350598
Advertisement
Event Venue & Nearby Stays
Lầu 3 & Lầu 4 quán Trung Nguyen Legend - 603 Trần Hưng Đạo, quận 1, Tphcm , Ho Chi Minh City, Vietnam 70000, Vietnam